[Review Sách] Tôi nói gì khi nói về chạy bộ - Haruki Murakami.
- Phạm Hương
- Aug 8, 2018
- 4 min read
Đây là một trong những quyển sách mà tôi vô cùng tâm đắc.
Thượng Đế đã nói rằng, lý do để linh hồn của chúng ta đến với cuộc đời này là để chúng có thể cảm nghiệm được chính mình. Và, chúng ta được cho một thân thể làm phương tiện thực hiện điều này. Chúng ta đi tìm chính mình, mà thực ra chúng ta vẫn đang làm chuyện đó dù trong vô thức hay tỉnh thức.

Suy nghĩ nổi bật nhất hiện lên trong đầu tôi ngay khi đọc xong cuốn Tôi nói gì khi nói về chạy bộ của nhà văn Haruki Murakami là, ông ấy đang đi cảm nghiệm chính bản thân mình qua việc chạy bộ. Ông đi tìm bản thân ông qua việc chạy bộ. Vâng, ông ấy đã thực sự làm vậy.
Quyển này giống như tự truyện về việc chạy bộ, dù ông không có gọi hẳn tên nó là vậy. Ông viết chân phương, bình dị, không nặng về câu chữ, triết lý. Nó giống một cuộc trò chuyện hơn là một tác phẩm văn chương, một cuộc trò chuyện mà ở đây, tác giả cho phép độc giả được bước vào tâm trí và đọc suy nghĩ của ông . Ông cứ kể về những suy tư chiêm nghiệm của mình khi chạy bộ, vì thế đọc có những chỗ thấy “ủa sao tác giả viết vầy”, ổng cũng chẳng buồn giải thích, kiểu giống như đó là suy nghĩ diễn ra trong đầu sau khi chạy bộ, có sao viết vậy, ai thấy đồng cảm thì hiểu.
Song, đây thực sự là một con người thực sự đáng nể. Tôi chưa đọc bất kỳ một cuốn tiểu thuyết nào của ông (thật may mắn), nên sự “đáng nể” mà tôi vừa nói trên không phải là về khía cạnh tài năng, cái tôi đang nói đến là khía cạnh con người. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy may mắn khi chưa đọc tác phẩm nào của ông, vì điều đó giúp tôi có thể tự tin khẳng định là tôi không bị tài năng ấy lấn át góc nhìn ở bình diện cuốn sách này.
Đối với những ai là fan của Haruki thì quyển sách này sẽ cho bạn được hiểu về con người này hơn. Trong quyển tự truyện này, ông nói về mối quan hệ giữa chạy bộ và viết văn đối với ông. Và chính ông đã thừa nhận, ông biết ơn việc mình đã liên tục chạy bộ trong 1/4 thế kỷ (25 năm, nghe thấy ghê quá ha). Điều này đã giúp cho sự nghiệp văn chương của ông phát triển, nói chính xác hơn là khả năng viết tiểu thuyết của ông được phát triển. Giai đoạn ông viết Rừng Na Uy là bắt đầu giai đoạn đỉnh cao về văn chương cũng như chạy bộ của ông, và còn sau đó nữa.
Ông tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp của mình trong đôi đôi ba chữ, ông nói về những chuyện đó bình thản, hài hước, nhẹ nhàng, và đôi khi ông cho thấy nó thậm chí còn khá bình thường, không có gì đặc sắc. Mà chắc ông thấy vậy thiệt. Chắc do tôi kỳ vọng cuộc đời của một tiểu thuyết gia nổi tiếng hẳn phải ly kỳ, kịch tính lắm. Nhưng đọng lại sau những lời kể ấy lại là một sự động viên, khích lệ lớn lao với tôi (với tôi thôi). Chắc đây là điều tôi đang tìm kiếm, một con người bình thường, làm những việc bình thường, một cách chăm chỉ, cần mẫn. Chỉ cần biết rõ mình muốn gì và bất chấp làm điều mình muốn bằng một thái độ “chết bỏ”. Và một khi đã bắt đầu thì phải hoàn thành nó. Tôi cần thấy ai đó, đã làm được những điều này rồi, để tiếp thêm niềm tin và bước tiếp.
Có một số đoạn ông gợi nhớ tôi đến những triết lý thiền của Osho, "Trong phép thiền năng động, thường thường thiền sinh bắt đầu với những hoạt động mạnh mẽ về thể chất, sau đó là sự lặng yên và cử hành tế lễ. Phép thiền này tin rằng, qua đó con người sẽ vượt thắng sự sợ hãi, giảm bỏ sự ức chế, phát sinh được một dạng của Không tính (state of emptiness) và đạt giác ngộ. Đối với Osho, muốn đối trị sự ức chế nào ta phải kích động nó lên, nếm trải, chứng nghiệm nó và cuối cùng trực nhận nó chỉ là “không” thì mới thực sự siêu việt được nó. Theo ông một con người giác ngộ sẽ là “phi quá khứ, phi tương lai, không ràng buộc, không tâm thức, vô ngã, vô bản chất”. (trích, Lời giới thiệu cho Cuộc đời của luận sư Rajneesh Chandra, Đỗ Tư Nghĩa sưu tầm & biên dịch, NXB Trẻ, 2007). Có một lần, trong một cuộc đua siêu Marathon 62 dặm (Marathon là đã quá dài rồi, còn siêu Marathon, thiệt không hiểu nổi những người có đam mê chạy bộ) tôi nghĩ Maruki đã đạt được trạng thái này. Thiệt sự là đọc tới đoạn này, tôi đã nghĩ là ông ta đã “phi quá khứ, phi tương lai, không ràng buộc, không tâm thức, vô ngã, vô bản chất”.
Trong tự truyện này, tôi còn tâm đắt một chi tiết, Haruki không nghĩ việc chạy bộ kiên trì mấy mươi năm qua là do ông là một con người giàu ý chí, nghị lực. Trái lại, ông khẳng định, vì chạy bộ hợp với ông và vì ông có lý do đủ mạnh để tiếp tục chạy bộ. Đối với tôi điều này vô cùng ý nghĩa, tôi không muốn ép bản thân làm một việc gì đó vì lý do là mình nên kiên trì, tôi muốn biết tại sao tôi phải làm chuyện này. Đó mới là động lực thúc đẩy tôi thực sự.
Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết. Chúc mọi người nhiều bình an, nhiều năng lượng và yêu thương Hương.
Kommentarer